Thợ lặn rợn người khi bị bạch tuộc dẫn đến bia mộ dưới đáy biển

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Con bạch tuộc khổng lồ đã “giao tiếp” với nữ thợ lặn người Úc và “nắm tay” đưa cô đến bia mộ của một thanh niên chìm dưới đáy biển.

Con bạch tuộc đã dẫn thợ lặn đến bia mộ dưới nước.
Con bạch tuộc đã dẫn thợ lặn đến bia mộ dưới nước. (Ảnh: Jules Casey).


(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trang News.com.au ngày 18/4 đưa tin nữ thợ lặn người Úc Jules Casey đã trải qua những giây phút bất ngờ và sởn gai ốc khi được một con bạch tuộc khổng lồ cuốn lấy tay để đưa đến khu vực có bia mộ của một thanh niên dưới đáy biển.

Đoạn phim ghi lại những giây phút khó tin cho thấy một con bạch tuộc với xúc tu dài đến 3 m cuốn lấy bàn tay của thợ lặn và dẫn cô đến một bia mộ bí mật. Ban đầu, cô cho rằng con bạch tuộc chỉ tò mò về mình, khi nó vươn một xúc tu dài để cuốn quanh bàn tay cô.


(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Thợ lặn hết hồn khi bạch tuộc cuốn tay kéo đến bia mộ dưới đáy biển.

Nhưng khi nó bắt đầu kéo tay cô bơi đi, nữ thợ lặn mới chính là người tò mò, thắc mắc xem nó dẫn cô đến đâu.

“Nó bơi được một đoạn rồi dừng lại và quay lại nhìn tôi, như thể nó muốn chắc chắn rằng tôi vẫn đang theo sau. Có cảm giác như nó đang thuyết phục, nên tôi nghĩ, được rồi, tôi sẽ theo sau và xem điều gì sẽ xảy ra”, Casey kể.

Sau vài phút bơi với nhau tại vùng nước lạnh giá ngoài khơi bán đảo Mornington (Úc), những người bạn mới sau cùng đã đến đích. Cô Casey rợn người khi nhận ra rằng mình được dẫn đến một bia mộ bí mật dưới đáy biển.

Bia mộ có hình ảnh một thanh niên ôm một chú chó trắng và chữ Lorenz. Con bạch tuộc con bạch tuộc bơi lượn xung quanh, bám chặt lấy bia mộ, dường như đang ăn mừng vì đã có thể hướng dẫn cô Casey đến đó.

Cuộc gặp gỡ đáng kinh ngạc đã mang lại cho cô câu trả lời cho bí ẩn mà cô đang tìm kiếm kể từ khi phát hiện ra một số bức tượng trong khu vực trên, được cố định dưới đáy đại dương bằng những thanh kim loại.

Cộng đồng thợ lặn địa phương khá gắn bó, và cô đã kể lại với họ. Sau cùng, cô gặp được một người đàn ông cho biết chính ông ta đã lập bia mộ và đặt các bức tượng dưới nước cho người bạn Lorenz quá cố.


(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Việc các thợ lặn tương tác với bạch tuộc không phải hiếm, do chúng rất tò mò. Bạch tuộc Maori là một trong những loài lớn và khỏe mạnh nhất được tìm thấy ở khắp miền nam nước Úc và New Zealand. Chúng có màu đỏ sẫm với làn da trắng lốm đốm và những xúc tu dài không đều nhau, trong đó có xúc tu có thể dài tới 3m.

  • Bí ẩn về quái vật đã khiến cho cá mập lớn phải sợ hãi
  • Thợ lặn chia sẻ câu chuyện có thật về ma nước
  • Khám phá bí mật về bạch tuộc – Loài “quái vật” biển cả

Sao Kim đang bị rò rỉ carbon và oxygen

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một số lượng đáng kể chất khí, bao gồm carbon và oxygen, đang bị “rút” khỏi khí quyển sao Kim, theo dữ liệu của tàu vũ trụ BepiColombo trong quá trình bay ngang hành tinh thứ hai từ mặt trời.

Sao Kim thường được gọi là chị em song sinh “độc ác” của Trái đất, vì hành tinh này có kích thước gần như tương đồng nhưng mang những đặc điểm chết chóc.

Sao Kim
Sao Kim. (Ảnh: NASA).


(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Sao Kim khét tiếng với khí quyển giàu hợp chất carbon dioxide (CO2) độc hại, với nhiệt độ bề mặt lên đến 470 độ C.

Trong quá khứ, sao Kim có lẽ chứa một lượng CO2 đáng kể nhất trên bề mặt. Tuy nhiên, hành tinh thứ hai tính từ Mặt trời đang trải qua sự thay đổi dữ dội trong những giai đoạn sau này.

Và dữ liệu do tàu vũ trụ BepiColombo truyền về trên đường đến sao Thủy phát hiện thượng tầng khí quyển của sao Kim đang bị rò rỉ nhiều loại khí, trong đó có carbon và oxygen.

Sứ mệnh BepiColombo của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) phối hợp Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để thám hiểm sao Thủy. Con tàu đã có dịp quan sát sao Kim trong vòng 90 phút khi bay ngang hành tinh.

“Đây là lần đầu chúng ta quan sát được các hạt ion điện tích dương của carbon đang “tháo chạy” khỏi khí quyển sao Kim“, theo tác giả Lina Hadid, nhà nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Vật lý Plasma (Pháp).


(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Đội ngũ của bà Hadid cho rằng, phát hiện mới nhất có thể trợ giúp các nhà nghiên cứu trong nỗ lực tìm hiểu tại sao hành tinh chị em của Trái đất phải trải qua quá trình tiến hóa đầy bi kịch và mất toàn bộ nước của hành tinh, theo báo cáo trên chuyên san Nature Astronomy.

Những sứ mệnh tương lai như Envision của ESA và tàu quỹ đạo VERITAS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho phép các nhà nghiên cứu thu thập thêm dữ liệu chi tiết về môi trường trên sao Kim, bao gồm khí quyển.

  • 12 điều kỳ thú nhất về Sao Kim
  • Tại sao sao Kim gần Trái đất hơn nhưng con người lại thích khám phá sao Hỏa?
  • Những bí ẩn về Sao Kim

Nguồn gốc của kim cương Golconda siêu tinh khiết

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Những viên kim cương Golconda nổi tiếng trong suốt và lấp lánh có thể bắt nguồn từ mỏ đá núi lửa cách nơi khai thác chúng 300km.

Các nhà nghiên cứu có thể đã tìm ra nguồn gốc thực sự của những viên kim cương Golconda nổi tiếng như Hope hay Koh-i-noor, Live Science hôm 21/4 đưa tin.

Kim cương Hope - một trong những viên đá quý nổi tiếng nhất thế giới.
Kim cương Hope – một trong những viên đá quý nổi tiếng nhất thế giới. (Ảnh: Telegraph).

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Kim cương Golconda là loại đặc biệt vì có rất ít tạp chất và ít nitơ, do đó cực kỳ trong và không có những vết làm giảm độ lấp lánh. Chúng cũng rất lớn. Viên kim cương Koh-i-noor, hiện nằm trong bộ sưu tập những món đồ nghi lễ của Hoàng gia Anh lưu giữ tại tháp London, nặng tới 105,60 carat. Viên kim cương Hope, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia Smithsonian ở Washington DC, Mỹ, nặng 45,52 carat.

Những viên kim cương Golconda này được phát hiện tại miền nam Ấn Độ từ những năm 1600 đến những năm 1800. Chúng được khai thác trong các mỏ sa khoáng – hố nông khoét vào trầm tích ven sông. Nhưng trước đó, kim cương được đưa lên bề mặt Trái Đất trong những khối đá núi lửa lớn gọi là kimberlite và giới chuyên gia không biết đá kimberlite chứa những viên kim cương này đến từ đâu.

Nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Earth System Science cho rằng, kim cương Golconda có thể bắt nguồn từ mỏ kimberlite Wajrakarur ở Andhra Pradesh, Ấn Độ, ngày nay, cách nơi khai thác chúng khoảng 300 km.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Để truy tìm nguồn gốc của kim cương Golconda, các nhà địa chất Hero Kalra, Ashish Dongre và Swapnil Vyas từ Đại học Savitribai Phule Pune nghiên cứu tính chất hóa học của đá kimberlite và lamproite xung quanh. Đây là những loại đá hình thành từ đáy lớp vỏ và lớp phủ trên của Trái đất, nơi hình thành đa số kim cương.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, đá kimberlite từ mỏ Wajrakarur có thể được đẩy lên từ độ sâu nơi kim cương hình thành và chứa các khoáng chất thường xuất hiện cùng kim cương. Sau đó, họ tiến hành khảo sát bằng cách sử dụng dữ liệu viễn thám như ảnh vệ tinh, các phép đo thảm thực vật và độ ẩm. Khảo sát hé lộ, một dòng sông cổ xưa khô cạn từ lâu có thể đã vận chuyển kim cương từ Wajrakarur đến sông Krishna và các nhánh của nó, nơi người ta tìm thấy những viên kim cương.

Tuy nhiên, kết quả này chưa chắc chắn chính xác, theo Yakov Weiss, nhà địa hóa học nghiên cứu về kim cương tại Đại học Hebrew Jerusalem. Trong nghiên cứu mới, các tác giả đã nghiên cứu đặc điểm địa hóa học của những viên kim cương thông thường từ thạch quyển – lớp vỏ cứng và lớp phủ trên của Trái đất – và xác định rằng mỏ Wajrakarur có thể chứa kim cương. Tuy nhiên, kim cương Golconda hình thành ở độ sâu lớn hơn trong lớp phủ, có lẽ ở vùng chuyển tiếp gần lõi Trái đất.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Rất khó để phát hiện trực tiếp nguồn gốc của kim cương Golconda vì chúng không có các tạp chất chứa chất lỏng từ lớp phủ – nơi chúng bắt đầu hình thành. Weiss cho biết, điều này khiến chúng trở nên đẹp mắt và được ưa chuộng, nhưng cung cấp rất ít thông tin cho các nhà địa hóa học. Vì vậy, kim cương Golconda có lẽ sẽ luôn lưu giữ những bí ẩn.

  • Tìm hiểu về kim cương và cách nhận biết kim cương thật
  • Phát hiện viên kim cương khổng lồ trong vũ trụ
  • Kim cương hóa ra đầy dưới chân, nhiều vô biên – “Thấy” nhưng chưa lấy được

Chuột “ma sói” chuyên ăn bọ cạp và rết độc

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Chuột châu chấu phương nam có biệt danh là “ma sói” vì thường tru lên như sói nhỏ vào đêm trăng tròn trước khi giết mồi.

Chuột châu chấu phương nam (Onychomys torridus) sống ở khu vực tây nam nước Mỹ và tây bắc Mexico, chuyên ăn bọ cạp, côn trùng, các loài chuột khác và một số thực vật. Chúng là động vật ăn thịt có thể kháng nọc độc bọ cạp, theo Live Science.

Tư thế hú của chuột châu chấu.
Tư thế hú của chuột châu chấu. (Ảnh: Minden Pictures)


(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Loài chuột này cực kỳ hung dữ, sẽ tấn công bất cứ thứ gì chuyển động không lớn hơn quá nhiều so với nó. Nó thậm chí sẵn sàng ăn thịt đồng loại khi thức ăn khan hiếm. Chuột châu chấu sẽ phục kích con mồi, sau đó tóm gọn và giết chết bằng nhát cắn vào đầu. Một trong những con mồi ưa thích của chúng là bọ cạp vỏ cây Arizona (Centruroides sculpturatus) với nọc độc đủ mạnh để gây chết người.

Để đối phó, chuột châu chấu giảm tác động của nọc độc thông qua tạm dừng kênh hóa học truyền dẫn tín hiệu đau tới não khi trúng nọc độc. Điều này có nghĩa về cơ bản, chúng không cảm thấy đau, dù các nhà nghiên cứu vẫn không biết tại sao chất độc trong đó không giết chết chúng. Chuột châu chấu cũng có thể cắn đứt đuôi bọ cạp để ngăn con mồi chích nọc độc.

Khi hú vào đêm trăng tròn, chuột châu chấu đứng trên hai chân sau, hếch mũi lên trời và tạo ra âm thanh có thể nghe thấy từ khoảng cách 100 m. Tiếng kêu của chúng được tạo ra theo cách tương tự khi con người nói và chó sói hú, đó là sử dụng rung động mô sinh ra từ dòng khí, theo một nghiên cứu năm 2017. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện loài chuột này có đường dẫn âm hình chuông, giúp tăng cường độ âm thanh.


(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tiếng hú phát ra ngay trước khi giết mồi giúp chuột châu chấu đánh dấu lãnh thổ. Chúng có tính bảo vệ lãnh thổ cao và chủ yếu sống đơn độc. Các cá thể có thể sống theo cặp gồm con đực và cái nhưng chúng thường giết bạn tình, theo Animal Diversity Web.

  • Những điều thú vị ít ai biết về loài chuột
  • Vì sao nhà khoa học thường dùng chuột làm thí nghiệm?
  • Hài hước “chuyện ấy” của động vật

Rác vũ trụ tràn ngập, đe dọa từ trường Trái đất

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Các vệ tinh chết đang khiến không gian tràn đầy rác thải. Chẳng mấy chốc, con người sẽ thải ra lượng tro kim loại tương đương ít nhất một tháp Eiffel vào tầng điện ly mỗi năm, gây hại đến từ trường Trái đất.

Một tàu vũ trụ chết có kích thước bằng một chiếc xe tải bốc cháy với plasma, sau đó tan thành bụi và rác khi nó xé toạc tầng điện ly và bầu khí quyển. Đây là những gì xảy ra với các vệ tinh dịch vụ Internet trong quá trình quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.

Trái đất bị rác thải độc hại bao phủ

Các doanh nhân đang đặt cược vào loại vệ tinh dùng một lần, như phương tiện làm giàu mới. Hiện nay có gần 10.000 vệ tinh đang hoạt động. Nhiều công ty đang làm việc nhanh nhất có thể để đưa thêm hàng chục ngàn vệ tinh nữa vào quỹ đạo, đặt mục tiêu đạt 1 triệu vệ tinh trong vòng 3 đến 4 thập kỷ tới.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Môi trường plasma của Trái đất
Rác vũ trụ, được tạo ra bởi các vệ tinh thương mại đã chết và sắp chết, có thể làm tổn hại đến tầng điện ly hoặc từ quyển, còn được gọi là môi trường plasma của Trái đất – (Ảnh: Alamy).

Tiến sĩ Jonathan McDowell, thuộc Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, nói: “Chúng ta có thể có tới 100.000 vệ tinh trong vòng 10 đến 15 năm”. Những vệ tinh này cung cấp năng lượng cho các dịch vụ Internet siêu kết nối và có thể biến một số tỉ phú thành tỉ phú ngàn tỉ. Tuy nhiên, cái giá phải trả là Trái đất sẽ bị rác thải độc hại bao phủ.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Không gian, trái với niềm tin phổ biến, không phải là một khoảng trống khổng lồ có khả năng tự làm sạch. Không gian chứa đựng các hệ thống như từ quyển, giúp chúng ta tồn tại và cung cấp oxy bằng cách bảo vệ bầu khí quyển. Không gian xung quanh Trái đất là một chiếc kén plasma đang nuôi dưỡng sự sống.

Rác thải ảnh hưởng đến từ trường Trái đất

Trên báo The Guardian, tác giả Sierra Solter, nhà vật lý plasma, phát hiện ra rằng rác vũ trụ – được tạo ra bởi các vệ tinh thương mại đã chết và sắp chết – có thể làm tổn hại đến tầng điện ly hoặc từ quyển, còn được gọi là môi trường plasma của Trái đất.

Sau khi nghiên cứu trong hơn một năm, Solter nói ông không nghi ngờ việc mức độ ô nhiễm cực lớn sẽ phá vỡ môi trường plasma mỏng manh của Trái đất, bằng nhiều cách. Tuy nhiên, rất ít người đang thảo luận về cuộc khủng hoảng tiềm tàng này.

Khi điều tra xem ngành công nghiệp vũ trụ đã thải bao nhiêu bụi dưới dạng mảnh vụn vệ tinh và tên lửa vào tầng điện ly trong quá trình quay lại khí quyển, Solter đã hoảng hốt khi phát hiện lượng tro kim loại hiện bằng gấp nhiều lần lượng tro kim loại của tháp Eiffel.

Ông thậm chí không thể tính toán được nếu không nhờ trang web do một nhà khoa học điều hành. Tầng ozone không đủ dày để hàng năm gánh chịu lượng tro kim loại tương đương ít nhất một tháp Eiffel. Tất cả rác thải này sẽ ở lại trong không gian, vô thời hạn.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Theo nhà vật lý plasma, con người thậm chí còn không có một ước tính rõ ràng về khối lượng của tất cả các vùng trong từ quyển, nhưng lại thải vào đó những mảnh vỡ của vô số tàu vũ trụ khổng lồ.

Không giống như các thiên thạch nhỏ chỉ chứa một lượng nhỏ nhôm, tàu vũ trụ rất lớn, được làm hoàn toàn bằng nhôm và các vật liệu kỳ lạ, có tính dẫn điện cao khác. Chúng có thể tạo ra hiệu ứng tích điện và hoạt động như một tấm chắn từ trường.

Nếu tất cả những vật liệu dẫn điện này tích tụ thành một lớp rác khổng lồ, chúng có thể bắt lấy hoặc làm chệch hướng toàn bộ hoặc một phần từ trường của chúng ta. Hãy tưởng tượng 100.000 hoặc nhiều vệ tinh hơn, cũng như rác thải của chúng, có thể gây nhiễu loạn từ trường thế nào.

Ngay cả khi chỉ tạo ra những nhiễu loạn tầng điện ly theo khu vực, chẳng hạn như trong các khu vực của các chuyến bay vũ trụ, thì cũng có thể gây ra các lỗ hổng phía trên tầng ozone. Điều này có thể làm xói mòn bầu khí quyển Trái đất theo thời gian, khiến nơi này có nguy cơ mất khả năng sinh sống.

Ngành công nghiệp vũ trụ gây hại cho sự sống

Quỹ đạo Trái đất tầm thấp đang được quảng bá như một “điểm đến và nền kinh tế” cho các vệ tinh và thậm chí cả các khách sạn trong không gian có trọng lực thấp. Những dự án kiểu này dường như liên tục “sắp ra mắt” và sau đó bị hủy bỏ.

Nhà vật lý plasma Sierra Solter cho rằng các công ty vũ trụ cần ngừng phóng vệ tinh nếu không thể cung cấp các nghiên cứu cho thấy ô nhiễm không gây hại cho tầng bình lưu và từ quyển.

“Những người như Elon Musk và Jeff Bezos liên tục tuyên bố rằng không gian là chìa khóa cho tuổi thọ của con người. Nhưng nếu ngược lại thì sao? Điều gì sẽ xảy ra nếu ngành công nghiệp vũ trụ là phương tiện dẫn đến sự diệt vong của Trái đất? Và điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả sự ô nhiễm mà các doanh nhân không gian đang tạo ra chưa được nghiên cứu, không thể tiếp cận, đến mức chúng ta thậm chí không hiểu được rủi ro”, ông đặt vấn đề.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Từ trường Trái đất giữ cho chúng ta sống sót và cần được bảo vệ hệt như môi trường Trái đất. Từ quyển là tuyến phòng thủ đầu tiên của Trái đất chống lại Mặt trời với rất nhiều rủi ro. Bất kỳ sự ô nhiễm nào của từ quyển cũng cần được nghiên cứu và giám sát chặt chẽ.

Nếu một tiểu hành tinh hướng về Trái đất, chúng ta sẽ kích hoạt hoạt động giám sát phòng thủ. Nhưng vì đó là vật thể do con người tạo ra tác động đến bầu khí quyển, nên chúng ta không hề giám sát.

  • ISS vứt khối rác vũ trụ nặng nhất từ trước đến nay
  • Nhật giăng lưới dọn rác không gian bất thành
  • Nhân loại đã “xả” bao nhiêu rác ra ngoài vũ trụ?

Nhiệt độ châu Âu nóng nhanh nhất thế giới

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Châu Âu đang nóng lên nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng và mưa lũ.

Theo báo cáo tổng kết hàng năm của các nhà khoa học tại Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), khu vực châu Âu đã trải qua năm nóng nhất lịch sử vào năm 2023, cho thấy tương lai đáng báo động của lục địa vốn đang nóng lên nhanh nhất thế giới.

Châu Âu đã chứng kiến đám cháy rừng lớn nhất từng được ghi nhận vào năm ngoái, cũng như một trong những trận lũ lụt gây thiệt hại nặng nề nhất từ trước đến nay.

Người dân chứng kiến vụ cháy rừng gần làng Sikorrachi, Alexandroupolis, Hy Lạp
Người dân chứng kiến vụ cháy rừng gần làng Sikorrachi, Alexandroupolis, Hy Lạp vào ngày 23/8/2023. (Ảnh: Bloomberg).

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Châu Âu nóng lên nhanh nhất

Báo cáo cho biết năm 2023 là một trong những năm nóng nhất từng được ghi nhận ở châu Âu, gây ra bởi biến đổi khí hậu và kiểu thời tiết El Nino. Nhiệt độ khắc nghiệt đã làm tăng các đám cháy rừng trong khu vực. Diện tích rừng bị thiêu rụi trong năm ngoái bằng tổng diện tích của các thành phố London, Paris và Berlin cộng lại.

Trong đó, Hy Lạp ghi nhận đám cháy rừng lớn nhất từ trước đến nay trong khối Liên minh châu Âu (EU), với 960km2 bị thiêu rụi, tương đương gấp đôi diện tích vùng đô thị Athens của nước này.

Theo dữ liệu của WMO, nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nhiệt độ nóng lên dẫn đến lượng mưa lớn. Toàn bộ châu Âu hứng chịu lượng mưa nhiều hơn khoảng 7% so với thông thường.

Vào tháng 8/2023, Slovenia bị lũ lụt tàn phá gây thiệt hại hàng tỷ euro, trở thành một trong những thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất đối với một quốc gia EU.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Khu vực thị trấn Ravne na Koroskem ở slovenia ngập sâu trong đợt lũ tháng 8/2023
Khu vực thị trấn Ravne na Koroskem ở slovenia ngập sâu trong đợt lũ tháng 8/2023. (Ảnh: CNN).

Theo Samantha Burgess, Phó giám đốc Copernicus và là một trong những tác giả của báo cáo “Tình trạng Khí hậu Châu Âu”, cho biết, báo cáo đã phác họa nên bức tranh đáng lo ngại đối với lục địa này, trong bối cảnh lượng khí thải carbon dioxide và methane trong khí quyển tiếp tục gia tăng, trong khi tốc độ nóng lên ở châu Âu đang ở mức khoảng 0,4 độ C mỗi thập kỷ, gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

Khi nhiệt độ không khí và nồng độ khí nhà kính trong khí quyển vẫn gia tăng, chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan, ngày càng thường xuyên và dữ dội hơn“, bà Burgess nói. “Vì vậy, chúng ta có thể sẽ tiếp tục chứng kiến những kỷ lục khác cho đến khi ổn định được khí hậu và đạt được mức phát thải ròng bằng 0”.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Châu Âu được dự báo sẽ phải thích ứng với nhiệt độ cao hơn nhanh hơn bất kỳ khu vực nào khác, đặc biệt với những khu vực gần Bắc Cực, chẳng hạn như Greenland, đang nóng lên nhanh nhất.

Toàn bộ lục địa sẽ phải đối mặt với tình trạng nóng lên ở mức 3 độ C, ngay cả khi thế giới thành công trong việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đến mức đó. Những tác động sẽ được thấy rõ rệt nhất ở các khu vực như dãy Alps, nơi các sông băng đã mất 10% thể tích còn lại trong hai năm qua.

Nhiệt độ ở một số khu vực ở châu Âu gần như lên tới 50 độ C
Nhiệt độ ở một số khu vực ở châu Âu gần như lên tới 50 độ C trong thời kỳ đỉnh điểm của đợt nắng nóng ngày 23/7/2023. (Ảnh: Cơ quan Vũ trụ Châu Âu)

Những tín hiệu tích cực

Mặc dù khí nhà kính do con người tạo ra là yếu tố chính khiến nhiệt độ toàn cầu tăng, nhưng sự gia tăng bất thường của châu Âu một phần bởi dòng hải lưu và khí quyển ấm hơn. Trong khi đó, các quy định nhằm làm sạch không khí cũng loại bỏ các hạt phản xạ nhiệt khỏi bầu khí quyển trên khắp lục địa.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Năm 2024, châu Âu có thể ghi nhận một số tín hiệu tích cực khi El Ninõ chuyển sang trạng thái trung tính hơn hoặc thậm chí là sự kiện La Ninã mát hơn.

Thời tiết khắc nghiệt hơn cũng giúp thúc đẩy sản xuất năng lượng tái tạo tiềm năng của châu Âu nhờ gió mạnh vào cuối năm và dòng chảy sông mạnh hơn cho thủy điện. Một lượng kỷ lục năng lượng sạch đã được sản xuất vào năm ngoái, với gần một nửa đến từ nguồn tái tạo.

Chương trình Copernicus sử dụng hàng tỷ phép đo từ vệ tinh, tàu thủy, máy bay và trạm thời tiết trên toàn thế giới cho các dự báo hàng tháng và theo mùa. Cùng với Cơ quan vũ trụ châu Âu, Copernicus đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực trị giá 16 tỷ euro của EU để vượt qua biến đổi khí hậu thông qua dự báo chính xác. Đây là lần đầu tiên chương trình này hợp tác với Tổ chức Khí tượng Thế giới WMO cho ra báo cáo này.

Những báo cáo khoa học mới sẽ kêu gọi nỗ lực mạnh mẽ hơn để cắt giảm khí thải trong và ngoài nước.

Hiện tại, EU đang đi chệch hướng trong nỗ lực đạt mục tiêu giảm 55% lượng khí thải CO2 vào cuối thập kỷ. Các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ nghiêng về các bên hoài nghi (hiệu quả) hành động chống biến đổi khí hậu trước thềm cuộc bầu cử Nghị viện Châu Âu vào tháng 6 năm nay.

  • Lũ lụt ở Dubai – Minh chứng thất bại trong chống biến đổi khí hậu toàn cầu
  • Lại một tháng nữa trở thành tháng nóng nhất toàn cầu, lập kỷ lục chưa từng có
  • Nắng nóng ở Đông Nam Á hiện tại chưa từng có tiền lệ, thời tiết sắp tới sẽ thế nào?

Tại sao cá heo thích cưỡi sóng trước mũi tàu?

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Cá heo nhiều lần được bắt gặp đang bơi trước mũi tàu thuyền và cũng có nhiều lý giải khác nhau cho hành vi này.

Cá heo thường xuyên được bắt gặp đang chơi đùa hoặc cưỡi những con sóng trước mũi tàu (bow riding). Theo cuốn sách Encyclopaedia of Marine Mammals của tác giả Bernd Würsig, cá heo đã bơi trước mũi tàu kể từ khi xuất hiện những con tàu chạy nhanh trên đại dương, ngay cả người Hy Lạp cũng viết về hành vi này ở vùng biển Địa Trung Hải. Thời hiện đại, bow riding dùng để chỉ việc cá heo tận dụng sóng áp lực hình thành ở phía trước tàu thuyền.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Cá heo bơi trước mũi tàu. (Video: Columbia Ship Management Group).

Cá heo mũi chai (Tursiops truncatus) đặc biệt nổi tiếng với hành vi cưỡi sóng trước mũi tàu và có lẽ cũng là loài cá heo được bắt gặp thường xuyên nhất trong các hoạt động du lịch ngắm cá heo hay những chuyến quan sát bằng tàu thuyền. Một nghiên cứu trên tạp chí Aquatic Mammals năm 2009 của chuyên gia Elizabeth Hawkins tại công ty Dolphin Research Australia cùng cộng sự tìm hiểu về loài vật này và những lần chúng chạm trán với tàu thuyền.

Nhóm nghiên cứu phát hiện, giai đoạn 2003 – 2006, các tàu thuyền trong nghiên cứu chạm trán với 201 nhóm cá heo, trong đó 44 nhóm tương tác với tàu thuyền. Họ nhận định, việc cưỡi sóng trước mũi tàu có thể giúp cá heo giảm mức tiêu tốn năng lượng khi bơi, ngoài ra có thể một phần mục đích là vui chơi. Các yếu tố như loại tàu, hoạt động của tàu và trạng thái động cơ đều có khả năng ảnh hưởng đến mức độ hoạt động và sự tương tác của cá heo với tàu.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Trong một nghiên cứu khác được trình bày tại Hội nghị Thường niên lần thứ 28 của Hiệp hội Thú biển châu Âu năm 2014, các nhà khoa học nhận thấy vùng biển cũng ảnh hưởng đến hoạt động cưỡi sóng trước mũi tàu. Ví dụ, tại eo biển Istanbul, cá heo thường xuyên thực hiện hành vi này ở lối vào phía nam hơn. Nhóm nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là ở khu vực này, cá heo bắt cá thuận lợi hơn. Họ liên kết hành vi cưỡi sóng trước mũi tàu với các chiến lược và hoạt động kiếm ăn. Tuy nhiên, vui chơi cũng có thể là một lý do.

Cá heo cưỡi sóng trước mũi tàu.
Cá heo cưỡi sóng trước mũi tàu.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Cá heo không chỉ cưỡi sóng trước mũi tàu mà còn được bắt gặp cưỡi sóng phía trước những con cá nhám phơi nắng (Cetorhinus maximus). Năm 2012 – 2019, các chuyên gia bắt gặp cá heo tương tác với cá nhám phơi nắng trong 6 đợt quan sát ngoài khơi bờ biển tây nam Ireland và ghi lại 94 lần cưỡi sóng. Dù đây có thể là một chiến lược kiếm ăn đôi bên cùng có lợi, nhưng nhóm nghiên cứu cho rằng khả năng cao hơn là cá heo chỉ đang chơi đùa. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Aquatic Mammals năm 2020, do chuyên gia Seán A. O’Callaghan từ Đại học Công nghệ Atlantic và Nick Massett từ Tổ chức Cá voi và Cá heo Ireland thực hiện.

Tổng kết từ các nghiên cứu, cá heo có thể cưỡi sóng trước mũi tàu vì nhiều lý do như hưởng lợi về năng lượng khi bơi, tiếp cận nơi kiếm ăn ưa thích, tận dụng cơ hội săn mồi tốt hơn. Ngoài ra, có khả năng chúng muốn vui chơi. Cá heo là những sinh vật thông minh, có tính xã hội và rất tò mò. Vì vậy, chúng cũng cưỡi sóng trước mũi tàu để giải trí.

  • Cá heo thông minh đến mức nào?
  • Những nghiên cứu cực sốc về cá heo
  • Cá heo “chế biến” thức ăn như đầu bếp

Việt Nam chuẩn bị phóng vệ tinh mới

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Cục Tần số Vô tuyến điện và VNPT sớm trình phương án phóng vệ tinh mới thay thế vệ tinh VINASAT-1 đã hết hạn sử dụng.

Vệ tinh mới sẽ được phóng thay thế VINASAT-1

Phát biểu tại hội nghị giao ban quản lý Nhà nước quý 1/2024 với đối tượng quản lý là các doanh nghiệp, hội, hiệp hội và các cơ quan báo chí, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Tần số Vô tuyến điện và VNPT cần sớm trình phương án phóng vệ tinh mới thay thế vệ tinh VINASAT-1 đã hết hạn sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định: “Việc phóng vệ tinh để đảm bảo an ninh quốc gia, VNPT sẽ thực hiện dự án này. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ để tạo điều kiện cho VNPT tháo gỡ khó khăn khi triển khai phóng vệ tinh mới”.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Trao đổi với PV, đại diện Cục Tần số Vô tuyến điện cho hay, vệ tinh mới được phóng thay thế vệ tinh VINASAT-1 đã hết hạn sử dụng sẽ sử dụng lại băng tần cũ. Vì vậy, không cần quy hoạch tần số cho các vệ tinh mới sẽ được phóng tới đây.

Trước đó, ngày 19/4/2008, VINASAT-1 được phóng thành công lên quỹ đạo, khẳng định chủ quyền không gian vệ tinh của Việt Nam. Vệ tinh do hãng Lockheed Martin (Mỹ) sản xuất và được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Ariane-5 (Pháp). Vị trí quỹ đạo là 1320E (132 độ đông).

Vệ tinh có trọng lượng 2,8 tấn, tuổi thọ hoạt động 15 năm. Băng tần hoạt động là băng C mở rộng và băng Ku với vùng phủ sóng rộng lớn gồm Việt Nam, Đông Nam Á, Đông Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên, Nhật Bản, Úc và Hawaii.

VINASAT-1 có tổng giá trị đầu tư xấp xỉ 300 triệu USD, hết hạn sử dụng vào năm 2023. Như vậy, cho đến thời điểm này, vệ tinh VINASAT-1 đã hết hạn sử dụng gần 1 năm. Ở thời điểm đó, VNPT dự tính thu hồi vốn sau 10 năm.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Việt Nam lên phương án phóng vệ tinh mới thay thế VINASAT-1 đã hết hạn sử dụng.
Việt Nam lên phương án phóng vệ tinh mới thay thế VINASAT-1 đã hết hạn sử dụng.

Tiếp đó, ngày 16/5/2012, vệ tinh VINASAT-2 đã được phóng lên quỹ đạo. Vốn đầu tư cho VINASAT-2 xấp xỉ 260 triệu USD, do VNPT làm chủ đầu tư và quản lý. Vệ tinh VINASAT-2 có công suất lớn hơn, trọng lượng lớn hơn, số bộ phát đáp nhiều hơn, do đó có dung lượng băng tần nhiều hơn.

Nếu như VINASAT-1 được thiết kế gồm 20 bộ phát đáp hoạt động, trong đó có 8 bộ băng tần C mở rộng, 12 bộ băng tần Ku, với băng thông 36MHz/1 bộ, 8 bộ phát đáp dự phòng (4 bộ băng Ku, 4 bộ băng C mở rộng), thì VINASAT-2 “hoành tráng” hơn, với 30 bộ phát đáp băng tần Ku (24 bộ khai thác thương mại và 6 bộ dự phòng).

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Như vậy, có thể thấy VINASAT-2 nhiều hơn VINASAT-1 4 bộ phát đáp, tương đương 20% dung lượng của VINASAT-1. Trong khi VINASAT-1 có vùng phủ sóng băng Ku tại: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần Myanmar, VINASAT-2 mở rộng vùng phủ hơn với việc phủ sóng cả một phần Malaysia và Myanmar. Vệ tinh VINASAT-2 có thể có tuổi thọ lên tới 21,3 năm.

VINASAT-1 vẫn có thể hoạt động thêm khoảng 5 năm

Một chuyên gia về tần số chia sẻ với PV, cho dù vệ tinh VINASAT-1 hết thời gian sử dụng theo thiết kế, nhưng vệ tinh này vẫn có thể kéo dài thêm 5 năm hoạt động. Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho vệ tinh mới là vấn đề sớm đặt ra bởi chúng ta không thể chắc chắn được vệ tinh này sẽ dừng hoạt động khi nào.

“Thông thường, khi đấu giá để mua dung lượng vệ tinh, các khách hàng sẽ đòi hỏi vệ tinh còn khoảng 30% thời gian sử dụng theo cam kết thiết kế. Vì vậy, thời điểm này sẽ khó khăn cho VNPT – đơn vị đang vận hành VINASAT-1 và VINASAT-2, khi chào thầu dịch vụ truyền dẫn qua vệ tinh”, vị chuyên gia nói.

Sau khi phóng thành công hai vệ tinh VINASAT-1 và VINASAT-2, Việt Nam đã trở thành nước thứ 7 ở khu vực ASEAN có vị trí, chủ quyền trong trên quỹ đạo vệ tinh.

Việc phóng vệ tinh VINASAT có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn chỉnh hệ thống viễn thông Việt Nam, khi trước đó đã có thông tin vô tuyến, thông tin hữu tuyến, thông tin mặt đất, thông tin mặt biển và nay có thêm vệ tinh viễn thông. Kết nối vệ tinh có tác dụng chủ động trong việc kết nối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo mà trước đó nước ta không thể thực hiện được bằng các hệ thống thông tin mặt đất.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Vệ tinh này sẽ giúp Việt Nam chủ động được trong việc đảm bảo an ninh quốc phòng, đặc biệt là các nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo và trên biển.

Hiện thị trường vệ tinh đang có sự cạnh tranh gay gắt về giá của các nhà khai thác trong khu vực.

  • Những vệ tinh của Việt Nam đang trong vũ trụ
  • Vinasat-1 có an toàn trước bão từ?
  • 1.000 ngày Việt Nam trên quỹ đạo thế giới

Thời tiết thay đổi thế nào từ El Nino sang La Nina

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

El Nino nhiều khả năng sẽ sớm rút đi, báo hiệu sự chuyển đổi nhanh sang mô hình khí hậu và đại dương trái ngược là La Nina.

Sự thay đổi từ El Nino sang La Nina kéo theo nguy cơ bão lớn ở Đại Tây Dương và thời tiết khô hạn hơn bình thường ở phía nam nước Mỹ. Trên toàn cầu, La Nina thường khiến nhiệt độ giảm, nhưng trước khi tác động của nó diễn ra, 2024 vẫn nằm trong top 5 năm có nhiệt độ nóng nhất trong lịch sử khí hậu, theo Tom Di Liberto, nhà khoa học ở Cục quản lý đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA). “Mọi dấu hiệu đều chỉ ra 2024 sẽ là một năm nắng nóng”, Live Science hôm 20/4 dẫn lời Di Liberto.


La Nina có thể dẫn tới những cơn bão mạnh ở Đại Tây Dương như bão Matthew đổ bộ vào Haiti năm 2016. (Ảnh: NASA).

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

El Nino và La Nina mô tả những mô hình trái ngược ở gió mậu dịch di chuyển quanh xích đạo, thổi về phía tây từ Nam Mỹ tới châu Á. Trong năm trung hòa, khi không có mô hình nào tác động, gió mậu dịch đẩy nước ấm về phía tây, đẩy nước biển lạnh từ tầng nước sâu lên bề mặt để thay thế. Khi El Nino diễn ra, gió mậu dịch yếu đi, vì vậy phía đông Thái Bình Dương, cùng vùng ven biển phía tây Bắc Mỹ và Nam Mỹ, sẽ ấm hơn. Theo NOAA, kết quả là dòng tia di chuyển về hướng nam, làm Canada và phía bắc nước Mỹ khô hạn nhưng đem nhiều hơi ẩm tới các khu vực miền nam của Mỹ.

Trong năm La Nina xuất hiện, gió mậu dịch mạnh lên, đẩy nước ấm tới châu Á và tăng cường sự trồi lên của nước lạnh ở vùng ven biển Thái Bình Dương của châu Mỹ. Dòng tia di chuyển về hướng bắc, gây khô hạn ở tây nam và đông nam nước Mỹ, đồng thời đem thời tiết ẩm ướt hơn tới vùng tây bắc và Ngũ Hồ.

El Nino chính thức hoạt động từ tháng 6/2023, nhưng Trung tâm dự báo khí hậu của NOAA báo cáo mô hình khí hậu này đang yếu đi, với 85% khả năng chuyển sang pha trung hòa trước tháng 6. Sau đó, La Nina sẽ quay trở lại, với 60% khả năng xuất hiện trong khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, theo Trung tâm dự báo môi trường quốc gia. “Đối với El Nino mạnh tới mức này, không hiếm gặp sự kiện như vậy chấm dứt và chuyển sang La Nina một cách nhanh chóng”, Di Liberto cho biết.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Kết quả đo đại dương hiện nay cho thấy nhiệt độ bề mặt ấm ở Thái Bình Dương, nhưng nước bên dưới lạnh hơn mức trung bình. Khi nước lạnh dâng lên bề mặt, sự chuyển đổi sẽ diễn ra nhanh chóng. Việc chuyển từ El Nino sang La Nina dấy lên nguy cơ về mùa bão mạnh sắp tới, theo Alex DesRosiers, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành khoa học khí quyển ở Đại học Colorado. Trong El Nino, hơi nóng bốc lên từ phía đông Thái Bình Dương vào tầng thượng quyển, dẫn tới gió mạnh hơn ở độ cao lớn. Điều này tạo ra gió đứt theo chiều dọc, chênh lệch trong tốc độ và hướng gió trên mặt đất với trong khí quyển. Gió đứt theo chiều dọc có thể chia cắt những cơn bão khi chúng đang hình thành.

Trong La Nina, gió ở tầng thượng quyển tĩnh lặng hơn, làm giảm gió đứt và cho phép các cơn bão lớn hình thành thông qua đối lưu của không khí nóng ẩm từ mặt biển. “Khi chúng ta chuyển sang La Nina, khí chuyển trở nên thuận lợi hơn để bão xuất hiện và mạnh lên”, DesRosiers nói.

Do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina sắp tới và nhiệt độ bề mặt Đại Tây Dương cực ấm hiện nay, nhóm nghiên cứu khí hậu và thời tiết nhiệt đới thuộc CSU dự đoán mùa bão Đại Tây Dương rất mạnh, ước tính 23 cơn bão có tên gọi (cao hơn mức trung bình là 14,4) và 5 cơn bão cấp 3 hoặc cao hơn. Năm nay có thể giống năm 2010 và 2020, cả hai năm đều có mùa bão sôi động, dù không chắc chắn bão mạnh có ảnh hưởng tới đất liền không.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})
  • Loài rắn hiền lành với con người, nhưng lại là khắc tinh của rắn độc
  • Khám phá tuyến cống ngầm “khổng lồ” dưới lòng sông Tô Lịch
  • Cậu bé nhặt được hòn than đen sì, chuyên gia kiểm định 10 năm mới kết luận: Đây là bảo vật duy nhất trên thế giới

Cáp treo vốn có nguyên lý “cực kỳ an toàn”, vì sao vẫn xảy ra tai nạn?

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Được thiết kế với cơ chế an toàn, chịu lực tốt, nhưng nhiều hệ thống cáp treo trên thế giới vẫn xảy ra sự cố đáng tiếc.

Cấu tạo và nguyên lý hoạt động của cáp treo

Thông thường, cáp treo trên cao bao gồm một hoặc hai dây cáp cố định (gọi là cáp đường ray), một sợi dây cáp nối với vòng quay (gọi là dây kéo) cùng hai cabin chở khách. Theo của Raj Kumar, một chuyên gia về cơ khí vận tải, hệ thống cáp treo có cơ chế “cực kỳ an toàn” và chặt chẽ.

Trong đó, sợi dây cáp cố định – đúng như tên gọi của nó, có tác dụng hỗ trợ thăng bằng cho cabin trong khi hệ thống hoạt động. “Khi cáp chạy, chúng ta có cảm tưởng như cabin trượt trên các sợi dây cáp. Tuy nhiên trên thực tế, nó được cố định với phần lớn hệ thống thông qua một bộ phận giống như tay nắm”, Kumar chia sẻ.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Ảnh: Hai sợi dây cố định của cáp treo nằm ngoài, có tác dụng cố định và thăng bằng.
Ảnh: Hai sợi dây cố định của cáp treo nằm ngoài, có tác dụng cố định và thăng bằng. Sợi dây kéo ở giữa nối với motor, giúp cabin chuyển động.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Để chuyển động, một motor điện sẽ xoay vòng quay gắn với dây kéo, giống như ròng rọc, cho phép cabin di chuyển theo ý muốn.

Các đường cáp treo được xây dựng như một hệ thống vòng tròn khép kín. Theo đó, các cabin di chuyển từ điểm đến và được đẩy bằng vòng dây cáp. Khi tới điểm đích, chúng đổi hướng, và lại tiếp tục quay trở về nơi xuất phát.

Theo thiết kế tiêu chuẩn, nhà ga ở trạm cuối của cáp treo phải đủ sức để giữ trọng lượng của toàn bộ hệ thống, nhưng đôi khi sức căng quá lớn từ cáp treo khiến nó phải tản bớt lực sang bộ phận ‘bollard’, gắn trên cục neo bằng đá.

Đây là chi tiết thường được thấy trong các hệ thống cáp treo lên núi. Nhiệm vụ của chúng là giữ cho sợi dây cáp luôn được căng, và không bị chùng xuống do tác động trọng lực.

Để làm được điều này, ‘bollard’ liên tục di chuyển lên xuống để cân bằng trọng lượng khi hàng trăm người ra/vào cabin. Còn những cục neo bằng đá được cắm xuyên vào lòng núi, tạo chỗ dựa vững chắc cho toàn bộ hệ thống cáp treo. Trung bình, các neo này chịu được trọng tải lên tới 700 tấn.

Tất cả hệ thống máy móc, bao gồm cả động cơ điện cung cấp lực đẩy thường được đặt ở trạm dưới.

Cục neo đá được đặt ở phần thấp nhất của hệ thống cáp treo, có tác dụng giữ căng sợi dây.
Cục neo đá được đặt ở phần thấp nhất của hệ thống cáp treo, có tác dụng giữ căng sợi dây.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Đôi khi, chúng ta cũng hay bắt gặp các cáp treo theo kiểu “sàn treo gondola” (MDG). Tại các hệ thống này, chỉ có một sợi dây được sử dụng để hỗ trợ và tạo lực đẩy. Cáp treo dạng này thường được sử dụng cho khoảng cách ngắn, và số lượng người hạn chế.

Ưu điểm của hệ thống cáp treo MDG là chi phí lắp đặt và vận hành rẻ hơn. Tuy nhiên thay vì chỉ gồm một trạm phía trên, có thể có nhiều trạm trung gian để giúp sợi dây chuyển động liên tục.

Vì sao vẫn có cáp treo gặp tai nạn?

Ít nhất 14 người thiệt mạng và 1 em nhỏ bị thương nặng trong vụ tai nạn cáp treo ở Ý
Ít nhất 14 người thiệt mạng và 1 em nhỏ bị thương nặng trong vụ tai nạn kinh hoàng ở vùng núi phía bắc Italy ngày 23/5/2021. (Ảnh: AP)

Theo lý giải của các chuyên gia, một hệ thống cáp treo hoạt động trơn tru, đúng theo nguyên lý và điều kiện lý tưởng hầu như hiếm khi gặp sự cố.

Tuy nhiên, lại có quá nhiều điều yếu tố có thể ảnh hưởng tới cáp treo, một trong số đó là tác động từ môi trường.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Thí dụ như vào năm 2017, một vụ đứt cáp treo nghiêm trọng đã xảy ra tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Gulmarg nổi tiếng, tỉnh Kashmir, Ấn Độ. Nguyên nhân sau đó được xác định là do thời tiết xấu. Cụ thể, gió giật mạnh làm bật gốc cây lớn, rồi đổ vào hệ thống cáp treo gây đứt dây cáp.

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp sự cố xảy ra do sai sót của con người.

Tàu chở giàn khoan dầu vô tình mắc vào hệ thống cáp treo ở Singapore, khiến 7 người chết
Tàu chở giàn khoan dầu vô tình mắc vào hệ thống cáp treo ở Singapore, khiến 7 người thiệt mạng. (Ảnh: ST).

Điển hình như vào năm 1988, một máy bay của Thủy quân lục chiến Mỹ do bay ở tầm thấp, đã cắt qua cáp treo khu trượt tuyết ở Cavalese, khu vực Dolomites, khiến 20 người thiệt mạng.

Năm 1983, một con tàu chở giàn khoan dầu vô tình mắc vào hệ thống cáp treo ở Singapore, khiến 2 cabin rơi xuống biển ở độ sâu 55m và 7 người thiệt mạng.

Năm 2018, tại khu nghỉ dưỡng Gudauri, Georgia, hệ thống cáp treo bất ngờ đổi hướng và di chuyển rất nhanh theo chiều ngược lại, làm hàng chục người bị văng xuống đất. Vụ việc sau đó được xác định là do lỗi kỹ thuật khi vận hành cáp treo.

Những lưu ý khi đi cáp treo

Tổ chức Accident Care (Mỹ) đưa ra nhiều lời khuyên cho các du khách khi di chuyển trên cáp treo. Lưu ý đầu tiên và trên hết là tăng cường chú ý. Ngay khi bước chân đến khu vực lên xuống cáp treo, hãy quan sát thật kỹ các hướng dẫn an toàn do đơn vị vận hành dịch vụ đưa ra.

(adsbygoogle=window.adsbygoogle||[]).push({})

Hãy nhớ các nguyên tắc lên xuống và vị trí của thiết bị khẩn cấp, đặc biệt tuân thủ giới hạn tải. Một số vụ tai nạn cáp treo trước đây có nguyên nhân vì chở quá số người quy định, thậm chí gấp đôi.

Nếu trong cáp treo có dây an toàn, hãy sử dụng chúng. Dây an toàn sẽ giúp hành khách tránh va đập trong cabin trong trường hợp va chạm hoặc dừng đột ngột.

Đặc biệt, hành khách cần quan sát điều kiện thời tiết. Thời tiết khắc nghiệt như gió lớn hoặc băng giá có thể làm tăng đáng kể nguy cơ tai nạn.

Trong khi đó theo khuyến cáo của CDC (Mỹ), trong suốt chuyến đi, hành khách nên ngồi yên và tránh di chuyển không cần thiết, không nghiêng người hoặc đứng khi cáp treo đang lên xuống.

Nếu xảy ra sự cố, hành khách cần giữ bình tĩnh và làm theo hướng dẫn của người điều khiển. Trước hết, hãy kiểm tra các cách liên lạc với người điều hành dịch vụ hoặc dịch vụ khẩn cấp nếu cần.

Trong trường hợp nghi ngờ có rơi cáp treo (xác suất xảy ra rất hiếm), nếu chuẩn bị kịp, hãy thay đổi tư thế ngồi bằng cách uốn cong người theo đầu gối và tìm bám vào bộ phận chắc chắn nhất trên cabin.

Tuyệt đối không nên cố gắng thoát khỏi cáp treo mà không có sự trợ giúp chuyên nghiệp, sẽ dễ gặp nguy hiểm.

  • 6 công trình nhân tạo của Việt Nam được thế giới vinh danh
  • Thành phố thẳng đứng tại Trung Quốc – nơi khách du lịch chỉ đến 1 lần và không bao giờ quay lại
  • Nhật sắp thử nghiệm thang máy lên vũ trụ